10 KỸ NĂNG CẦN BIẾT KHI VIẾT CV VÀ TRẢ LỜI PHỎNG VẤN

Đối với các bạn sinh viên, đặc biệt là sinh viên vừa mới ra trường thì phỏng vấn xin việc có lẽ là nỗi lo và áp lực lớn nhất với các bạn. Làm sao để viết được một CV chuyên nghiệp nhất? Làm sao để phỏng vấn trong khi chưa hề có kinh nghiệm làm việc gì ? Nhận thấy nỗi lo của đa phần các bạn sinh viên nên Hanexim muốn chia sẻ lại kinh nghiệm về viết CV và đi phỏng vấn, hi vọng có thể giúp ích các bạn phần nào trên chặng đường sắp tới.

1. NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI VIẾT CV

Các bạn không cần phải viết CV theo đúng form trên mạng dù nó sẽ chuyên nghiệp hơn. Các bạn cũng đừng lo nghĩ quá nhiều vì hầu hết sinh viên đâu có nhiều cái để viết, có viết vào thì nhà tuyển dụng cũng không quá chú tâm phân tích từng phần (trừ những công việc mang tính chất học thuật), viết nhiều lại thành lan man. Có một số phần các bạn cần lưu ý:

a. tiêu đề Email và thư xin việc

- Đây là phần mà bạn viết khi đính kèm CV, có dạng như sau:

- Phần này cực kì quan trọng vì nó là cái nhìn thấy đầu tiên, gây ấn tượng đầu tiền khi nhà tuyển dụng nhận được Email từ bạn. Có nhiều người khi gửi CV xung không viết được hoặc có viết nhưng chỉ làm qua loa, không rõ ràng. Thực tế, nhiều trường hợp thuê thiết kế CV, tốn nhiều tiền nhưng không được công ty nào gọi phỏng vấn. Vì về cơ bản nhìn thấy Email thể hiện sự không chuyên nghiệp là nhà tuyển dụng đã không muốn đọc tiếp đến CV rồi.

b. Ảnh cá nhân trên CV - Yếu tố vô cùng quan trọng đầu tiên

- Thứ nhất, thực tế nhiều bạn không xem trọng cái này, thường lấy ảnh chứng minh thư hoặc ảnh rất cẩu thả đưa vào CV, mà quên mất rằng ‘’hình ảnh’’ của các bạn sẽ được người ta chú ý đầu tiên. Vì thực tế công ty nào cũng vậy, bất kể các công ty lớn hay bé, họ đều thích có những đội ngũ nhân viên ưa nhìn, năng động.

- Thứ hai là khi số lượng hồ sơ quá nhiều, trong khi đó các ứng viên đều sàn sàn như nhau (ví dụ toàn sinh viên Ngoại Thương, Kinh Tế Quốc Dân, Tài Chính…). Khi còn chưa biết thật sự năng lực của mỗi người thì đơn giản ai có gương mặt thanh tú hơn sẽ được chọn.

Những công ty tư nhân, nhất là những công ty trẻ, họ thường cực kỳ chú ý điểm này, các công ty yêu cầu cao về học thuật thì ít hơn. Có khi có những sếp quá bận, không có thời gian xem nhiều hồ sơ, nên thấy ai ưa nhìn hơn thì gọi. Cũng có nhiều người bên ngoài kém ưa nhìn hơn so với các ứng viên khác, muốn dùng kỹ năng và học thức của mình để thuyết phục nhà tuyển dụng, nhưng nếu bạn còn không được gọi đi phỏng vấn thì điều đó chẳng có ý nghĩa gì.

c. Nội dung CV

- Các bạn cần nhớ là giá trị của công ty tuyển dụng khác nhau, sẽ yêu cầu ở mỗi ứng viên khác nhau. Hay nói cách khác, cách thức viết CV và nội dung bị chi phối rất nhiều vào đặc điểm của từng công ty.

 + Ví dụ: cách thức và nội dung CV khi bạn gửi CV vào 1 công ty tư nhân quy mô nhỏ sẽ phải khác hoàn toàn với việc bạn gửi CV vào 1 công ty lớn, tầm cỡ Big4, unilever, các vị trí yêu cầu học thuật cao….

 + Ví dụ khác như việc bạn mang CV dùng để ứng tuyển vị trí nhân viên kinh doanh đi nộp vào vị trí kế toán. Nếu bạn là nhà tuyển dụng, liệu bạn có muốn đọc CV đó không? Nói chung bạn nên có 2 CV trở lên để đối chiếu với từng công ty, từng vị trí bạn muốn chọn để nộp CV cho phù hợp.

- Nội dung CV thì các bạn có thể lên mạng tìm hiểu xem nên viết những gì, bố cục ra sao, nhưng cần chú ý:

+) Viết ra nhiều thành tích hay không tùy thuộc vào công ty. Với những công ty nhỏ vị trí không đòi hỏi cao về chuyên môn thì không cần thiết phải viết quá nhiều thành tích.

+) Không nên viết những công việc quá ngoài lề vào CV. Việc bạn từng đi trông xe, bán hàng cho shop quần áo với bán café sẽ không có ý nghĩa gì khi bạn bước vào môi trường công sở và không cần thiết đưa vào.

+) Hầu hết sinh viên chưa có kinh nghiệm thực tế. Nên để viết phần kinh nghiệm bản thân thì bạn cứ đưa những hoạt động ngoại khóa và tham gia các chương trình, câu lạc bộ… dù sao là cũng được đánh giá cao vì năng động tích cực trong các hoạt động xã hội.

+) Không có kinh nghiệm thực tế thì viết trọng tâm vào những kỹ năng đã rèn luyện được (kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tin học văn phòng, ngoại ngữ…) và khẳng định được việc áp dụng những kỹ năng này vào công việc đang ứng tuyển ra sao.

d. Nên làm CV 1 trang và CV nhiều trang

Nói cách chung nhất, 1 trang hay nhiều trang hoàn toàn tùy thuộc vào từng công ty và từng vị trí.

- Thông thường những công ty quy mô nhỏ, năng động thì các nhà tuyển dụng thường thích CV 1 trang dễ đọc, dễ nhìn, không cần ghi những điều không liên quan tới công việc, ngắn gọn, trình bày bố cục hợp lý là được.
- Trái lại, những công ty lớn, hoặc những vị trí yêu cầu học thuật cao thì thường yêu cầu CV nhiều trang. Bạn phải kể được những thành tích của mình, những điểm hơn người, vì những vị trí này đều là người giỏi ứng tuyển và nhà tuyển dụng đang cần tìm người giỏi hơn.

Ngoài ra cái này cũng phụ thuộc khá lớn vào tính cách nhà tuyển dụng nữa

e. Cách thức trình bày

Dù là CV 1 trang hay nhiều trang, điều cực kì quan trọng là phải được trình bày gọn gẽ và đẹp mắt. Đối với những bạn muốn viết CV 1 trang có thể tham khảo những web tạo CV online khá đẹp mắt, hoặc nếu không bạn có thể tự thiết kế. Các bạn cần chú ý những điểm sau:

+ Viết và trình bày dễ nhìn, mạch lạc, đúng chính tả

+ Font chữ: để Time New Romance

+ Save dưới dạng file PDF khi gửi, vì đôi khi bạn để word dễ bị lỗi font rất khó đọc, hơn nữa PDF thì chuyên nghiệp hơn


2. KHI ĐI PHỎNG VẤN BẠN CẦN CHÚ Ý GÌ?

Nhà tuyển dụng muốn tìm 1 người hợp với công việc, chứ không phải người giỏi. Mấu chốt của vấn đề là phải chứng tỏ mình hợp với công việc, tạo được ấn tượng với người phỏng vấn và mọi người trong công ty. Bạn cũng không nên làm theo cách trả lời câu hỏi trên mạng quá nhiều, vì cũng có rất nhiêu người tham khảo như bạn. Và khi nhà tuyển dụng phỏng vấn nhiều thí sinh với cùng 1 kiểu trả lời như vậy thì họ sẽ không có ấn tượng gì về bạn cả.

Khi đi phỏng vấn, Hanexim muốn khuyên các bạn chú ý tới 1 số vấn đề như này:

a. Tôn trọng đối với công ty

- Điều này bạn thể hiện bằng việc tìm hiểu thật kỹ về công ty trước khi đi phỏng vấn, hiểu thật kỹ về vị trí đang tuyển dụng, công việc mà bạn sẽ làm, có thể tham khảo từ nhiều nguồn liên quan tới công ty. Khi đó người phỏng vấn sẽ có cảm giác như bạn thật sự mong muốn có 1 công việc tại công ty. Điều này cực kỳ quan trọng, nó cũng khiến bạn không bị lúng túng trong quá trình phỏng vấn mà có thể sẽ có những câu hỏi liên quan đến vấn đề này.

b. Tạo ấn tượng đầu tiên và gây được hình ảnh tốt với tất cả nhân viên công ty đó.

- Hầu hết các công ty tầm nhỏ và trung bình phỏng vấn ngay tại công ty. Trước khi bước vào vòng phỏng vấn bạn thường ‘’bước qua’’ những nhân viên trong công ty trước, sau đó mới vào phòng để phỏng vấn. Và có 1 thực tế là đôi khi chính họ là người quyết định chứ không phải người phỏng vấn.

- Trong thực tế có nhiều trường hợp bạn qua được vào phỏng vấn với sếp nhưng lại bị chính các nhân viên trong công ty phản đối dẫn đến thất bại ( vì sếp cũng phải tôn trọng ý kiến tập thể). Cũng có nhiều trường hợp sếp không đồng ý nhưng bạn lại được các nhân viên trong công ty đó thiện cảm, qua là điều đương nhiên, ví dụ đơn giản thế này:

+ Cả công ty để dép bên ngoài, ứng viên không để ý hiên ngang bước vào phòng => trường hợp này hầu hết mọi người cho là ý thức kém => trượt

+ Bước vào không chào hỏi một ai => không tôn trọng người khác  => trượt
+ Khi về không chào ai => không tôn trọng người khác => trượt

- Tốt nhất trước khi bước vào công ty để phỏng vấn, bạn nên để ý để tuân theo các quy tắc nhất định của công ty. Hơn nữa nên gây thiện cảm từ đầu bằng việc chào hỏi mọi người, đừng quên nở nụ cười với tất cả, thậm chí nếu phải chờ bên ngoài, bạn cũng có thể đối thoại trực tiếp với mọi người.

c. Tạo nên sự khác biệt đối với các ứng viên khác

- Điều vô cùng đặc biệt và là chìa khóa giúp bạn vượt qua những ứng cử viên khác là hãy thể hiện nét riêng, cá tính riêng, cái tôi của bạn định vị bạn khác với còn lại, để có thể gây thiện cảm và ấn tượng đối với nhà tuyển dụng. Tránh việc đi theo lối mòn với những câu trả lời như đã được sắp xếp sẵn, tất nhiên là trong trường hợp bạn cũng phải có 1 trình độ học vấn nhất định, đủ để làm an tâm nhà tuyển dụng.

- Thực tế mình thấy hầu hết trường hợp học vấn của các bạn như Ngoại Thương, Học Viện Tài Chính, Kinh Tế Quốc Dân, Thương Mại …ở mức sàn nhau hoặc các công ty không quá quan trọng vào trình độ học vấn, dẫn đến việc chọn lựa dựa nhiều vào ấn tượng bạn gây ra với nhà tuyển dụng.

- Cụ thể khi phỏng vấn bạn phải tự tin , không ngại nêu bật được quan điểm riêng, cách nhìn nhận vấn đề riêng, đôi khi là sở thích, tính cách riêng biệt nào đó, tự tin đối thoại với người phỏng vấn.

d. Phong cách:

- Nói chung lịch sự, gọn gàng ngăn nắp là được, tốt nhất nên mặc đồ công sở, son phấn vừa phải, không cần xịt nước hoa, mặt mũi tươi tỉnh ko được biểu lộ sự mệt mỏi…là được.

e. Làm thế nào khi người phỏng vấn hỏi kinh nghiệm ?

- Hầu hết sinh viên đi phỏng vấn, người tuyển dụng họ cũng biết chưa hề có kinh nghiệm nhưng nhiều lúc họ vẫn hỏi xem cách bạn ứng xử thế nào. Bạn không nên đưa vào những kinh nghiệm như bán quần áo, gia sư,…Nếu bạn chưa có kinh nghiệm thật, cứ mạnh dạn trả lời. Nhưng điều vô cùng quan trọng là bạn phải nói cho họ biết được những kỹ năng của mình đã tích lũy được khi còn trong trường hoặc khi bạn làm ở lĩnh vực khác, và cho nhà tuyển dụng thấy những kỹ năng bạn có sẽ giúp ích gì cho công việc bạn ứng tuyển. Bạn có thể liên hệ sang 1 số hoạt động xã hội để buổi phỏng vấn thêm phần phong phú và đặc sắc .

f. Tài lẻ

Cái này cũng hỗ trợ phần nào cho bạn trong quá trình gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, bạn có năng khiếu thì có thể kể ra: Hát hay, đánh đàn giỏi,múa đẹp…nhiều nhà tuyển dụng khá để ý điều này.

Trên đây là những kinh nghiệm mà Hanexim được các bạn học viên cũng như giáo chia sẻ lại, hi vọng với những gì Hanexim vừa chia sẻ có thể giúp các bạn dễ dàng vượt qua vòng phỏng vấn hơn.

 

Nguồn: Nguyễn Linh - một trong những giáo viên thỉnh giảng tại HAN EXIM

—————————————————————————-

CLB Yêu Xuất Nhập Khẩu Hà Nội (HAN EXIM CLUB)

Đào tạo nghiệp vụ Xuất nhập khẩu& Logistics

Mobile: 0906246584 0986538963

Add: số 18 ngõ 67 Chùa Láng, quận Đống Đa, Hà Nội

Website: https://hanexim.edu.vn

Fanpage: https://www.facebook.com/giasuxuatnhapkhau

Facebook: https://www.facebook.com/lophocxuatnhapkhau

Chat với giáo viên