Lĩnh vực liên quan đến Trị giá Hải quan luôn là vấn đề được quan tâm mỗi khi doanh nghiệp có tờ khai rơi vào diện tham vấn giá hoặc kiểm tra sau thông quan. Trong hội nghị đối thoại giữa Hải quan và doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017, đã có rất nhiều câu hỏi thiết thực được Doanh nghiệp đặt ra và đại diện cơ quan Hải quan TP Hồ Chí Minh đã có những trả lời chi tiết, dựa trên các câu trả lời này chúng ta có cái nhìn sâu hơn về lĩnh vực Kiểm tra, giám sát quản lý của cơ quan Hải quan.
1. Cơ sở dữ Hải quan được cập nhật theo lịch trình/ kế hoạch như thế nào?
2.Cơ quan Hải quan có lấy giá trên Cơ sở dữ liệu Hải quan để ấn định giá trị Hải quan không?
3 .Các chi cục Hải quan thường áp dụng lấy 80% giá trên internet để xác định lại giá trị hải quan, liệu điều này có đúng quy định của luật pháp? Và nếu đúng , thì căn cứ vào quy định nào?
4. Trường hợp công chức kiểm tra giá của bộ phận tham vấn giá hải quan không có giá khai báo giống hệt hoặc tương tự như giá của doanh nghiệp khai báo trong 3 tháng và 6 tháng trước đó trong dữ liệu của hải quan, nhưng công chức vẫn lấy giá trên internet để áp cho Doanh nghiệp, vậy có đúng với các quy định của pháp luật hiện hành hay không? Nếu sai thì doanh nghiệp có bị cưỡng chế hoặc bắt buộc đóng thuế tăng lên (nếu có) hay không?
Trả lời câu hỏi 1 - 2 - 3 và 4:
Căn cứ Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài Chính:
Cơ sở dữ liệu về giá tính thuế của hải quan được thu thập từ nhiều nguồn thông tin khác nhau như:
- Giá khai báo của cộng đồng doanh nghiệp làm thủ tục hải quan trong phạm vi toàn quốc, được hải quan chấp nhận tính thuế theo trị giá giao dịch.
- Gía chào bán của nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, các nhà phân phối tại quốc xuất khẩu, tại các quốc gia ngoài nước xuất khẩu hoặc tại Việt Nam.
- Thông tin do các Phòng Thương mại - Lãnh sự quán của Việt Nam tại các quốc gia hoặc Phòng Thương mại - Lãnh sự quán của các quốc gia tại Việt Nam;
- Thông tin do Cục Điều tra chống buôn lậu - TCHQ cung cấp;
Cơ sở dữ liệu giá của Hải quan được TCHQ ban hành 1 năm / 2 lần. Trong năm 2017, TCHQ ban hành quyết định 96/QĐ-TCHQ ngày 31/3/2017 quy định về danh mục quản lý rủi ro và mức giá tham chiếu.
5 .Thủ tục xây dựng giá trị Hải quan đối với hàng hóa phi mậu dịch thực hiện như thế nào? Lộ trình về thời gian thực hiện như thế nào?
Trả lời:
- Căn cứ Điều 17 Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài Chính quy định hàng quà biếu (phi mậu dịch) sẽ được tính theo giá khai báo nếu hải quan không có nghi vấn.
- Trường hợp hải quan nghi vấn gía khai báo của doanh nghiệp không trung thực hoặc thấp hơn giá hàng giống hệt, tương tự được hải quan cập nhật vào hệ thống của hải quan thì hải quan sẽ điều chỉnh giá tính thuế các lô hàng phi mậu dịch (quà biếu) theo các mức giá tính thuế có sẵn trong hệ thống dữ liệu nhưng không phải là cơ sở dữ liệu.
6.Nhà nhập khẩu có thể mua hàng trực tuyến với giá khuyến mại và giá khyến mại có thể là giá khai Hải quan được không? Theo Thông tư 39/2015/TT-BTC, giá trị giao dịch là giá trị thanh toán thực, do đó, giá trị khuyến mại là giá trị thanh toán thực có thể được coi là giá trị khai báo không?
Trả lời:
Mua hàng trực tuyến, mua hàng có khuyến mại …. là thông lệ quốc tế và là hoạt động bình thường trong thương mại quốc tế. Hải quan luôn tôn trọng việc khai báo của doanh nghiệp. Tuy nhiên giá khai báo có được hải quan chấp nhận hay không chấp nhận tùy thuộc vào lô hàng đó có đủ điều kiện và thỏa mãn các quy định hay không.
7 .Đối với luồng vàng của hàng hoá xuất khẩu nhập khẩu qua dịch vụ CPN, Cán bộ Hải quan có phải thông báo bằng văn bản về các phương pháp/thời gian cụ thể khi xây dựng lại trị Hải quan không?
Trả lời:
Tất cả các hoạt động nghiệp vụ của cơ quan hải quan có liên quan và ảnh hưởng đến doanh nghiệp hoặc khách hàng về chính sách, về thuế XNK, cơ quan hải quan đều có Thông báo cho khách hàng bằng văn bản, cụ thể là Thông báo xác định trị giá hải quan. Đề nghị Doanh nghiệp nghiên cứu Thông tư số 38/2015/TT-BTC và Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài Chính và có thể đề nghị Hải quan thông báo bằng văn bản về mức giá xác định và mức thuế phải nộp.
8. Đối với hàng hoá phi mậu dịch, người khai hải quan có quyền khiếu nại sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế nhưng không hài lòng với việc xác định lại giá trị Hải quan không?
Trả lời:
- Căn cứ Luật khiếu nại số 02/2011/QH13 ngày 11 tháng 11 năm 2011;
- Căn cứ Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ qui định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại;
- Căn cứ Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ qui định qui trình giải quyết khiếu nại hành chính và Thông tư số 02/2016/TT-TTCP ngày 20 tháng 10 năm 2016 của Thanh tra Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính;
9. Đối với lô hàng chuyển phát nhanh phi mậu dịch, liệu có thể thông quan trước và định giá chính xác giá trị hải quan sau khi thông quan được không? Nếu có, chúng tôi có thể có được chấp thuận bằng văn bản cho việc này được không. Nếu được, chúng tôi đề xuất là việc chấp thuận này nên được bổ sung vào Thông tư 191 để áp dụng cho dịch vụ Chuyển phát nhanh.
Trả lời:
Căn cứ quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC và Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 và Thông tư số 191 của Bộ Tài Chính thì: Hàng phi mậu dịch (quà biếu): phải nộp thuế ngay trước khi thông quan hàng hóa
10. Cơ sở dữ liệu của Hải quan là thông tin nội bộ mà doanh nghiệp không được biết, việc này dẫn tới việc thông tin xây dựng giá không minh bạch, rõ ràng đối với doanh nghiệp, cơ quan Hải quan có thể xem xét về việc minh bạch hóa cơ sở dữ liệu này ? ví dụ Hải quan có thể chia sẻ thông tin với doanh nghiệp về cơ sở dữ liệu này?
Trả lời:
Căn cứ Thông tư số 12/2002/TT-BCA ngày 13/9/2002 của Bộ Công An và Thông tư số 161/2014/TT-BTC ngày 13/9/2014 của Bộ Tài Chính quy định công tác bảo vệ bí mật Nhà nước của ngành tài chính, Cục Hải quan TP.HCM không được phép cung cấp thông tin dưới dạng tài liệu “mật”.
Việc xác định trị giá tính thuế Cục Hải quan TP.HCM luôn tuân thủ các quy định của pháp luật và Hiệp định trị giá GATT: thông qua tham vấn và kiểm tra sau thông quan giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp: hải quan xác định trị giá tính thuế theo trị giá thực tế đã hoặc sẽ thanh toán trong điều kiện giao dịch bình thường, tính cạnh tranh không bị hạn chế.
11. Khi xây dựng giá, phương pháp trị giá giao dịch vẫn được áp dụng nếu người mua và người bán có mối quan hệ đặc biệt và mối quan hệ này phải được chứng minh là không ảnh hưởng đến trị giá Hải quan. Vậy người khai Hải quan phải cung cấp các thông tin, giấy tờ gì để chứng minh mối quan hệ đặc biệt không ảnh hưởng đến trị giá Hải quan?
Trả lời:
Căn cứ Điều 6 điểm 3 mục d Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài Chính: nếu cơ quan hải quan nghi vấn giá khai báo thấp, có thể không đủ điều kiện để tính thuế theo trị giá giao dịch do người mua và người bán có mối quan hệ đặc biệt; doanh nghiệp lựa chọn tham vấn hoặc kiểm tra sau thông quan tại trụ sở hải quan để giải trình với cơ quan hải quan về mối quan hệ đặc biệt.
Việc chứng minh mối quan hệ đặc biệt: cơ quan hải quan và doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định tại Điều 6 điểm 3 mục a, b và c Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài Chính.
12. Các tiêu chí chứng minh trị giá Hải quan không thực hiện được theo phương pháp 1 ( Trị giá giao dịch ) là gì?
Trả lời:
Căn cứ Điều 6 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài Chính,
Khi có nghi vấn: thông qua tham vấn (kiểm tra sau thông quan) Doanh nghiệp phải chứng minh là giá mua bán thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán (kể cả các khoản thanh toán gián tiếp cho người bán) và các chi phí liên quan đến hàng hóa nhập khẩu. Thỏa mãn đủ 4 điều kiện:
Điều kiện 1: quyền định của nhà nhập khẩu;
Điều kiện 2: Giá khai báo không phụ thuộc vào những điều kiện từ 2 bên mua và bán làm chúng không phản ánh đúng bản chất của hàng hóa được mang đi bán.
Điều kiện 3: người mua hàng không phải trả thêm bất kỳ khoản tiền nào từ số tiền thu được do việc định đoạt hàng hoá nhập khẩu mang lại cho người bán hoặc đối tượng thứ 3 theo chỉ định của người bán mà không khai báo hải quan;
Điều kiện 4: Người mua và người bán không có mối quan hệ đặc biệt hoặc nếu có thì mối quan hệ đặc biệt đó không ảnh hưởng đến trị giá giao dịch.
Quy định trên đây không áp dụng đối với hàng hóa là quà biếu, quà tăng (phi mậu dịch).
13. Hiện nay có trường hợp 1 khách hàng nhập 1 mặt hàng về Việt nam, Hải quan có yêu cầu xây dựng giá A. Sau đó khách hàng cũng nhập mặt hàng tương tự về Việt Nam, Hải quan khác có yêu cầu xây dựng giá B. Hải quan có hệ thống nào để theo dõi tình hình nhập khẩu của 1 doanh nghiệp để đảm bảo việc xây dựng giá là đồng nhất cho mỗi lần nhập chứ không phải lệ thuộc vào từng cán bộ Hải quan. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp nhập thường xuyên 1 mặt hàng thì giá hải quan xây dựng có giá trị trong vòng bao lâu (6 tháng, 1 năm)?
Trả lời:
Tình huống Doanh nghiệp nêu không phải là cá biệt và cũng không sai.
Một mặt hàng được xác định thỏa mãn khái niệm hàng giống hệt, tương tự (Điều 8 và Điều 9 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài Chính) phải thỏa mãn 4 điều kiện tại Điều 6 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài Chính và cơ quan hải quan sử dụng trong thời gian tối đa là 90 ngày kể từ ngày hàng hóa được xuất khẩu (không phải là 6 tháng hay 1 năm như doanh nghiệp đặt vấn đề).
Cùng một mặt hàng giống hệt nhập khẩu trong cùng thời điềm (không quá 90 ngày) chỉ có một mức giá tính thuế, trong nhiều trường hợp sẽ có những mức giá khác nhau không đáng kể và trong trường hợp này cơ quan hải quan sẽ chọn giá thấp hơn để tính thuế nếu có từ 2 mức giá của hàng giống hệt, tương tự (nghiên cứu Điều 8 và Điều 9 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài Chính).
14. Nhiều công ty cung cấp cho khách hàng của mình mức giá thấp hơn đối với các đơn đặt hàng số lượng lớn. Rõ ràng có thể thấy là đơn đặt hàng trị giá 1 triệu đô la Mỹ sẽ không bằng đơn đặt hàng 10.000 đô la Mỹ. Tuy nhiên, các công ty thường xuyên gặp rắc rối với định giá về những vấn đề này.
Trả lời:
Trường hợp Doanh nghiệp nêu là thông lệ quốc và là điều bình thường trong thương mại quốc tế.
Căn cứ Điều 15 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài Chính nếu khoản giảm giá mà người bán dành cho người mua thuộc các khoản giảm giá về:
- cấp độ số lượng,
- cấp độ thương mại
- cấp độ thanh toán
và thỏa mãn các điều kiện quy định tại điều này thì cơ quan hải quan sẽ tính thuế theo trị giá thực tế đã thanh toán. Nếu khoản giảm giá từ 5% trở lên sẽ do Tổng cục Hải quan xem xét.
15. Các quy định hiện tại của WTO cho phép người nước ngoài thực hiện các hoạt động phân phối để bán trực tiếp cho khách hàng chứ không phải thông qua các nhà phân phối, giá của họ đương nhiên sẽ thấp hơn vì họ bán hàng cho họ từ văn phòng tại nước sở tại hoặc mua trực tiếp từ một bên thứ ba ở nước ngoài. Trong cả hai trường hợp, giá sẽ thấp hơn khi doanh nghiệp ở nước ngoài bán cho bên thứ ba không liên quan. Tuy nhiên, có một số lo ngại rằng hải quan không chấp nhận mức giá thấp như vậy. Vui lòng tư vấn cho các công ty cách xử lý tình huống như vậy.
Trả lời:
Việt Nam đang áp dụng đầy đủ Hiệp định thực hiện Điều VII Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (Hiệp định trị giá GATT).
Gía bán trực tiếp từ nhà sản xuất (đại lý chính hãng) đương nhiên sẽ thấp hơn giá bán cho các nhà phân phối, đại lý cấp 2, cấp 3 tại Việt Nam: vì sẽ tăng chi phí đầu vào.
Căn cứ Điều 6 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài Chính, Hải quan sẽ chấp nhận giá khai báo nếu giá khai báo của doanh nghiệp thỏa mãn đủ 4 điều kiện dưới đây:
Điều kiện 1: quyền định của nhà nhập khẩu;
Điều kiện 2: Giá khai báo không phụ thuộc vào những điều kiện từ 2 bên mua và bán làm chúng không phản ánh đúng bản chất của hàng hóa được mang đi bán.
Điều kiện 3: người mua hàng không phải trả thêm bất kỳ khoản tiền nào từ số tiền thu được do việc định đoạt hàng hoá nhập khẩu mang lại cho người bán hoặc đối tượng thứ 3 theo chỉ định của người bán mà không khai báo hải quan;
Điều kiện 4: Người mua và người bán không có mối quan hệ đặc biệt hoặc nếu có thì mối quan hệ đặc biệt đó không ảnh hưởng đến trị giá giao dịch.
16. Giữa cơ sở dữ liệu giá của cơ quan hải quan và trị giá giao dịch (thoả mãn Điều 6 Thông tư số 39/2015/TT-BTC) thì cơ quan xác định trị giá tính thuế như thế nào?
Ví dụ: Công ty nhập khẩu mặt hàng A có trị giá giao dịch (trị giá invoice) là 10USD. Nhưng trên cơ sở dữ liệu giá cơ quan hải quan cho mặt hàng A này là 15USD. Vậy trị giá tính thuế mặt hàng A là 10USD hay 15USD?
Trả lời:
1. Cơ sở dữ liệu giá là các mức giá chỉ dùng tham khảo;
2. Trị giá tính thuế hàng giống hệt, tương tự thỏa mãn đủ các điều kiện tại Điều 6 Thông tư số 39/2015/TT-BTC, được hải quan chấp nhận trị giá giao dịch, tồn tại trong hệ thống cơ sở dữ liệu của hải quan tối đa không quá 90 ngày;
Nếu hàng hóa nhập khẩu không đủ điều kiện để tính thuế theo trị giá giao dịch thì hải quan sẽ căn cứ mức giá nêu tại điểm 2 để điều chỉnh giá tính thuế. Sản phẩm 10USD hay 15USD không phải là yếu tố để hải quan hoặc doanh nghiệp quan tâm.
Quan trọng nhất là sản phẩm 10USD hoặc 15USD có đủ các điều kiện quy định tại Điều 6 Thông tư số 39/2015/TT-BTC hay không?
17. Danh mục rủi ro hàng nhập khẩu chỉ để tham khảo hay áp dụng để áp giá tính thuế? Trong quá trình tham vấn, DN đã chứng minh giá thực mua từ nhà cung cấp nhưng cán bộ hải quan vẫn không chấp nhận, lý do là chênh lệch nhiều so với giá trên danh mục? Tại sao? DN mua đã vài năm trở lại đây vẫn một mức giá cố định, nếu có thay đổi từ 3-5% theo biến động thị trường.
Ý 1:Thay vì HQ đặt ra “nghi vấn” cho giá trị của hàng hóa thì nên đưa ra 1 cơ sở rõ ràng để dẫn đến “sự nghi vấn” đó?
Ý 2: Một trong các cơ sở định giá, đó là xem xét tờ khai sau thông quan của DN khác. Vậy HQ có cung cấp được không?
Trả lời:
- Cơ sở dữ liệu giá tính thuế của Hải quan chỉ dùng để xác định căn cứ nghi vấn ban đầu khi doanh nghiệp nập khẩu. Tổng cục Hải quan không cho phép sử dụng để điều chỉnh giá tính thuế.
- Doanh nghiệp được quyền yêu cầu hải quan cung cấp mức giá tính thuế theo các phương pháp khác.
24. Theo quy định tại TT 39 thì phí phát sinh tại cửa khẩu VN trước khi thông quan liên quan đến phí local Doanh nghiệp thanh toán cho đại lý hãng tàu.
Phí THC => thì không phải là khoản phí phải cộng vào trị giá tính thuế, nhưng phí C.I.C (Phí mất cân bằng container) doanh nghiệp thanh toán cho đại lý hãng tàu thì phải cộng vào trị giá tính thuế. Vui lòng giải thích về khoản phải cộng này ? Hai khoản phí này phát sinh cùng thời điểm và doanh nghiệp thanh toán cùng nhau. Vây doanh nghiệp có tiếp tục cộng khoản phí C.I.C này vào trị giá tính thuế. ( khoản phí này có hãng tàu thu, có hãng tàu không thu).
Trả lời:
Các chi phí trên chỉ cộng vào trị giá giao dịch khi người mua hàng (người nhập khẩu) trực tiếp thanh toán. Nếu người nhập khẩu mua hàng với điều kiện CIF và không phải trả bất kỳ chi phí nào khác như phí C.I.C hoặc T.H.C thì hải quan không được cộng thêm vào giá giao dịch.
Kèm Thông báo số: 340/TB-HQHCM ngày 07/9/2017.
Mrs Đoàn Thúy- CEO HAN EXIM
—————————————————————————-
CLB Yêu Xuất Nhập Khẩu Hà Nội (HAN EXIM CLUB)
Đào tạo nghiệp vụ Xuất nhập khẩu& Logistics
Mobile: 0906246584 / 0986538963
Add: số 18 ngõ 67 Chùa Láng, quận Đống Đa, Hà Nội
Website: https://hanexim.edu.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/giasuxuatnhapkhau
Facebook: https://www.facebook.com/lophocxuatnhapkhau