INCOTERMS 2020: NHỮNG THAY ĐỔI ĐÁNG LƯU Ý

      Ngày 01/01/2020, Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) đã chính thức ban hành các Điều kiện Thương mại Quốc tế 2020, gọi tắt là Incoterms 2020. So với phiên bản Incoterms 2010, Incoterms 2020 có một số điểm mới đáng lưu ý và Hanexim sẽ cung cấp đến các bạn thông tin về những điểm mới, những thay đổi đó trong bài viết này.

      Trước khi tìm hiểu những điểm mới của Incoterms 2020, chúng ta cần hiểu Incoterms là gì? Incoterms là bộ các quy tắc do Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) ban hành nhằm giải thích các điều kiện thương mại quốc tế liên quan tới việc phân chia trách nhiệm, rủi ro và chi phí khi giao nhận hàng hóa giữa người bán và người mua theo hợp đồng mua bán được 2 bên giao kết. Năm 1936, Incoterms phiên bản đầu tiên ra đời và tính đến nay, phiên bản Incoterms 2020 là phiên bản mới nhất.

     Trong Incoterms 2020, bên cạnh những thay đổi về các điều kiện thương mại quốc tế, ICC đã làm đơn giản hóa các quy tắc, loại bỏ những từ ngữ và cụm từ khó hiểu để các quốc gia trên thế giới dù không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính thì vẫn có thể hiểu đúng về các điều kiện trong Incoterms 2020.

     Vậy thực tế Incoterms 2020 có những điểm mới và thay đổi đáng chú ý gì so với phiên bản trước đây, Incoterms 2010?

Hình ảnh minh hoạc Incoterms 2020

                                                 Hình ảnh minh hoạ Incoterms 2020

1. DAT: được thay thế bằng DPU

     Trong Incoterms 2020, điều kiện mới DPU (Delivered at Place Unloaded) được đưa ra để thay thế điều kiện DAT (Delivered at Terminal)

      DPU là điều kiện duy nhất quy định hàng hóa phải được giao đến và dỡ ra khỏi phương tiện vận tải tại địa điểm giao hàng. Điểm mới của DPU so với DAT là địa điểm giao hàng không chỉ là Terminal hoặc các ga hàng hóa tại các cửa khẩu mà còn được mở rộng hơn thành bất kì địa điểm nào trên nước nhập khẩu mà 2 bên đã thỏa thuận như nhà máy, kho hàng...

2. FCA: người vận chuyển có thể phát hành vận đơn với ghi chú “on-board”

     Như đã biết, khi sử dụng điều kiện FCA trong giao hàng đường biển, người bán sẽ giao hàng cho người chuyên chở do người mua chỉ định. Nếu hai bên mua bán theo Tín dụng thư L/C thì sẽ gặp một số rắc rối trong việc thanh toán khi đòi hỏi vận đơn On-board từ phía ngân hàng.

     Để giải quyết vấn đề này, ở mục A6/B6 của điều kiện FCA được quy định trongIncoterms 2020 đã cung cấp cho 2 bên, bên bán và bên mua, một sự tùy chọn. Đó là nếu trong hợp đồng có quy định, người mua sẽ hướng dẫn người chuyên chở đến lấy hàng và sau đó phát hành 1 vận đơn cho người bán để người bán có thể dễ dàng nhận được tiền hàng nếu thanh toán bằng L/C. CIP và CIF: tăng nghĩa vụ bảo hiểm

     Trong Incoterms 2010 quy định nghĩa vụ mua bảo hiểm của người bán theo CIP và CIF là phải mua theo điều kiện tối thiểu (điều kiện bảo hiểm loại C) hoặc các điều kiện bảo hiểm tương đương. Điều kiện loại C thì chỉ bảo hiểm cho một vài rủi ro. Sau khi nghiên cứu, ICC đã quyết định tăng nghĩa vụ của người bán trong việc mua bảo hiểm cho lô hàng trong điều kiện CIP và CIF, mua bảo hiểm cho lô hàng ở mức tối đa là theo điều kiện bảo hiểm loại A. Quy định này sẽ làm gia tăng đồng thời quyền lợi của người mua và cả phí bảo hiểm.

3. Vận tải quy định trong các điều kiện FCA, DAP, DPU và DDP

     Bản Incoterm 2010 trước đây thường quy định xuyên suốt rằng hàng hóa được chở trực tếp từ người bán đến người mua, và người vận chuyển thường là bên thứ ba do người bán hoặc người mua thuê, tùy vào từng điều kiện Incoterms được sử dụng.

     Bản Incoterms 2020 được mở rộng thêm là việc bên vận chuyển hàng hóa không nhất thiết phải là bên thứ ba, mà có thể được vận chuyển bởi phương tiện vận chuyển của một trong hai bên mua và bán.

4. Bảo mật thông tin

     Incoterms 2020 đã được bổ sung thêm các quy định bảo mật thông tin về hàng hóa, giá cả, các thông tin liên quan đến thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng nhằm tăng mức độ bảo vệ lợi ích của các bên tham gia.

5. Quy định về phân chia chi phí giữa hai bên

     Việc phân chia chi phí được trình bày tập trung tại mục A9/B9 của từng điều kiện chứ không dàn trải như trước. Điều này giúp người bán và người mua dễ dàng tìm kiếm phần phân chia chi phí của mình tại 1 mục duy nhất.

     Trên đây là những thay đổi chính của phiên bản Incoterms 2020 so với phiên bản trước đó, Incoterm 2010 mà Hanexim muốn cung cấp tới các bạn. Hi vọng bài viết này sẽ có ích cho các bạn khi tìm hiểu và nghiên cứu về Incoterms 2020.

Xem bản Tiếng Anh của Incoterms 2020 tại đây

Mrs Đoàn Thúy- CEO HAN EXIM

—————————————————————————-

CLB Yêu Xuất Nhập Khẩu Hà Nội (HAN EXIM CLUB)

Đào tạo nghiệp vụ Xuất nhập khẩu& Logistics

Mobile: 0906246584 / 0986538963

Add: số 18 ngõ 67 Chùa Láng, quận Đống Đa, Hà Nội

Website: https://hanexim.edu.vn

Fanpage: https://www.facebook.com/giasuxuatnhapkhau

Facebook: https://www.facebook.com/lophocxuatnhapkhau

Chat với giáo viên