5 ĐIỀU QUAN TRỌNG CẦN BIẾT VỀ KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN

Thời điểm cuối năm, rất nhiều doanh nghiệp có Quyết định Kiểm tra Sau thông quan và đang rất hoang mang điều này. Vậy thực sự việc Kiểm tra Sau thông quan là như thế nào và có mang cho công ty quá nhiều điều lo sợ như vậy không? Hãy cùng HAN EXIM CLUB tìm hiểu điều này

1. Kiểm tra sau thông quan là gì?

Thực chất Kiểm tra sau thông quan là việc cơ quan Hải quan kiểm tra tính trung thực, chính xác, sự hợp lý của các thông tin mà các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã khai báo với cơ quan Hải quan khi mở tờ khai. Thông thường, quá trình này diễn ra sau khi hàng hóa đã được thông quan nên gọi là “Kiểm tra sau thông quan”. Nói vậy để phân biệt với một số hình thức kiểm tra khác mà cơ quan Hải quan tiến hành nhưng có thể ngay trong Doanh nghiệp đang làm thủ tục Hải quan.

2. Nội dung kiểm tra sau thông quan

Người khai hải quan có nghĩa vụ cung cấp xuất trình hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc các hình thức có giá trị tương đương hợp đồng, hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, chứng từ bảo hiểm, chứng nhận xuất xứ hàng hoá, chứng từ thanh toán, hồ sơ, tài liệu kỹ thuật của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến hồ sơ đang được kiểm tra và có trách nhiệm giải trình những nội dung liên quan; cử đại diện có thẩm quyền đến làm việc với cơ quan hải quan theo Quyết định kiểm tra.

Trong quá trình kiểm tra, nội dung kiểm tra được ghi nhận tại các biên bản kiểm tra, kèm các hồ sơ, chứng từ người khai hải quan giải trình, chứng minh.

3. Đối tượng Kiểm tra Sau thông quan

Theo thông tư 38- Bộ Tài Chính thì đối tượng Kiểm tra Sau thông quan không chỉ dừng lại ở các Công ty Xuất Nhập Khẩu (chủ hàng) mà còn có thể là các đối tượng sau:

- Các đại lý khai thuê/ môi giới hải quan : nắm giữ các chứng từ thương mại hải quan, các thông tin khác về hàng hoá và trị giá.

- Các doanh nghiệp nhập khẩu ủy thác : nắm giữ các thông tin giao dịch trước khi hợp đồng thương mại và hợp đồng thương mại…

- Các doanh nghiệp kho vận ngoại thương : nắm giữ các chứng vận chuyển hàng hoá, số lượng bản chất chủng loại đơn giá, tổng trị giá hàng hoá.

- Các hãng vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu : phát hành và lưu giữ chứng từ vận chuyển, hành trình của con tàu, cước phí vận tải (để xác định trị giá hải quan và xuất xứ hàng hoá), biên bản hải sự, báo cáo tổn hại hàng hoá (để xem xét trường hợp tổn thất trị giá thương mại của hàng hoá - một yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới giảm thuế thường bị lạm dụng).

- Các hãng bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu : nắm giữ các chứng từ bảo hiểm, phí bảo hiểm (một yếu tố cấu thành của trị giá hàng quan) và các chứng từ khác (Trị giá cần bảo hiểm – Insurable Value, Số tiền bảo hiểm – Amount Insued…) để xác định trị giá  hải quan, mối quan hệ thương tác về thời gian ghi trên chứng từ bảo hiểm với thời gian ghi trên các chứng từ khác có ý nghĩa rất quan trọng trong nghiệp vụ xét đoán chứng từ.

- Các ngân hàng thương mại : nắm giữ các chứng từ ghi nhận số tiền thực tế đã chuyển trả cho người xuất khẩu, tiền bán hàng xuất khẩu trên thị trường nội địa để từ đó có thể phân tích tìm ra trị giá hải quan và các thông tin khác.

- Cơ quan thuế nội địa : nắm giữa các thông tin về giá bán hàng nhập khẩu trên thị trường nội địa, thuế giá trị gia tăng đầu vào - đầu ra, các chi phí hợp lý của doanh nghiệp giúp cho việc phân tích xác định trị giá hải quan.

- Người mua hàng nhập khẩu trên thị trường nội địa : giá thực tế đã mua hàng nhập khẩu trên thị trường nội địa từ đó phân tích để tìm ra giá nhập khẩu, chủng loại xuất xứ của hàng hoá thực tế đã mua để đối soát với những thông tin này trên hồ sơ hải quan.

- Các cơ quan, tổ chức giám định hàng hóa, và…

Theo luật pháp của nhiều nước thì các đối tượng có liên quan trực tiếp đến thương mại quốc tế (người nhập khẩu/người ủy thác) là đối tượng trực tiếp của kiểm tra sau thông qua, các đối tượng khác có trách nhiệm hợp tác, giúp đỡ và cung cấp các thông tin cần thiết khi cơ quan Hải quan yêu cầu.

4. Các hình thức Kiểm tra Sau Thông Quan

Có 2 hình thức Kiểm tra Sau thông quan là tại Trụ sở Cơ quan Hải quan và trụ sở Doanh nghiệp. Việc quyết định hình thức Kiểm tra do Cơ quan Hải quan quyết định.

  • Chi cục trưởng Chi cục Hải quan có thẩm quyền quyết định kiểm tra đối với các hồ sơ hải quan đã thông quan trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hàng hóa được thông quan đến ngày ký ban hành Quyết định kiểm tra, thuộc diện phải kiểm tra
  • Cục trưởng Cục Hải quan có thẩm quyền quyết định kiểm tra đối với các hồ sơ hải quan thuộc diện phải kiểm tra theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 78 Luật Hải quan

5. Kết quả kiểm tra sau thông quan

  • Trường hợp thông tin, hồ sơ, chứng từ, tài liệu, nội dung giải trình của người khai hải quan chứng minh nội dung khai hải quan là đúng quy định pháp luật thì cơ quan hải quan chấp nhận nội dung khai báo của người khai hải quan, thông báo kết quả kiểm tra

- Trường hợp Hải quan có quyền bác bỏ Nội dung đã khai báo trước đây của Doanh nghiệp khi:

+ Người khai hải quan không cung cấp đủ thông tin, hồ sơ, chứng từ, tài liệu theo quy định hoặc không giải trình, không chứng minh được nội dung khai hải quan là đúng

+ Trường hợp người khai hải quan khai không đúng, không đầy đủ, không chính xác: các tiêu chí trên tờ khai hải quan; tờ khai trị giá; các yếu tố liên quan đến việc xác định số thuế phải nộp, chính sách quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; các yếu tố có liên quan ảnh hưởng đến nội dung, phương pháp xác định trị giá như các khoản điều chỉnh, mối quan hệ đặc biệt, điều kiện, trình tự các phương pháp xác định trị giá

+ Trường hợp hồ sơ, chứng từ, tài liệu người khai hải quan cung cấp cho cơ quan hải quan không hợp pháp

+ Trường hợp có sự mâu thuẫn hoặc không phù hợp về nội dung giữa các chứng từ, tài liệu trong hồ sơ hải quan; giữa hồ sơ hải quan với các hồ sơ, chứng từ, tài liệu nộp, xuất trình cho cơ quan hải quan theo quy định

- Trường hợp người khai hải quan không đến làm việc hoặc không cung cấp hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan hải quan thì cơ quan hải quan xử lý trên cơ sở kết quả kiểm tra hồ sơ, dữ liệu của cơ quan hải quan hiện có; đồng thời cập nhật thông tin vào Hệ thống cơ sở dữ liệu của Tổng cục Hải quan để áp dụng biện pháp kiểm tra đối với hồ sơ hải quan, các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu tiếp theo của người khai hải quan.

 

Bạn muốn tìm hiểu kỹ hơn hãy tìm đọc Quyết định 1410/QĐ-TCHQ năm 2015 về việc ban hành Quy trình kiểm tra sau thông quan. Tải tại đây

Mrs Đoàn Thúy- CEO HAN EXIM

—————————————————————————-

CLB Yêu Xuất Nhập Khẩu Hà Nội (HAN EXIM CLUB)

Đào tạo nghiệp vụ Xuất nhập khẩu& Logistics

Mobile: 0906246584 / 0986538963

Add: số 18 ngõ 67 Chùa Láng, quận Đống Đa, Hà Nội

Website: https://hanexim.edu.vn

Fanpage: https://www.facebook.com/giasuxuatnhapkhau

Facebook: https://www.facebook.com/lophocxuatnhapkhau

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chat với giáo viên